Cơn bão số 2 kèm theo mưa lớn đi qua các tỉnh từ Thanh hoá đến Hà Tĩnh gây thiệt hại không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp tỉnh ta. Sau bão nhiều diện tích cây rau màu bị ngập úng hư hại, để khắc phục thiệt hại bảo vệ thành quả lao động bà con cần tích cực ra đồng tập trung khôi phục sản xuất, áp dụng các biện pháp sau:
Khẩn trương tháo nước nhanh, khơi thông dòng chảy, rút kiệt nước, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.
Tranh thủ thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở những ruộng bị hại nặng.
Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng không có khả năng thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư, chủ động chuẩn bị đất gieo trồng những loại rau ngắn ngày để kịp thời vụ và cung cấp nhanh cho thị trường (rau cải, xà lách, hành lá, …). Bà con tiến hành cày bừa, phơi đất, sau khi đất ráo nước (đất có độ ẩm 80-85%) bón vôi bột, phân chuồng, phân lân, phân hữu cơ vi sinh (lượng bón cho 1 sào 500m2: phân chuồng hoai mục 500kg, phân lân 20-30kg, vôi bột 20kg, phân hữu cơ vi sinh 15-20kg)
Đối với ruộng ngập nước trong thời gian ngắn, có diện tích rau mới trồng bộ rễ chưa phát triển mạnh, nên xới xáo nhẹ, phá váng kết hợp trồng dặm các cây bị khuyết để đảm bảo mật độ.
Nếu thấy ruộng rau có hiện tượng vàng lá nghẹt rễ bà con kết hợp xới xáo, phá váng với dùng supe lân hoặc các loại phân bón chuyên dùng siêu ra rễ bón cách gốc cây 10-15cm để kích thích bộ rễ phát triển, đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học phun lên thân lá như KH, Pennac P, K-Humat… để giúp cây nhanh hồi phục.
Ruộng bị ngập úng lâu là điều kiện để nấm, vi khuẩn tấn công rau màu qua các vết thương xây xát, khi thời tiết khô ráo, lá cây không còn đọng nước bà con tranh thủ phun thuốc phòng bệnh cho thân lá, rễ cây rau màu như Anvil, Validacin, Mancozeb,…
Đối với những diện tích sử dụng màng phủ, sau mưa có nắng, gió cần vén màng phủ gần gốc cây để lộ đất cho bộ rễ được thông thoáng, nước bay hơi nhanh hơn, hạn chế nấm vi khuẩn phát sinh gây hại cho rễ. Nếu có điều kiện bổ sung thêm 1 lượng tro bếp nguội vào gần gốc cây để tro hút hết nước lên bề mặt nhanh hơn.
Chú ý:
Không nên bấm ngọn tỉa cành, vặt lá gốc cho rau màu ngay sau khi bị ngập úng vì dễ làm cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây hại.
Không nên sử dụng phân bón lá quá giàu đạm hoặc kích thích sinh trưởng GA3 phun cho rau dễ làm cây thối hỏng
Không phá váng ở diện tích rau màu đã lớn lúc vừa thoát nước ngập nhất là những cây có bộ rễ phát triển xum xuê (cà chua, bí xanh …) như vậy rễ cây bị xây xát, đứt rễ tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây hại mạnh.
Nguồn tin: Ngọc Diệp - TTKN Thanh Hóa