Năm 2017, ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục đương đầu với hàng nhập khẩu ùn ùn đổ về trong khi chưa có căn cứ đề nghị khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại
Phân bón nhập khẩu ùn ùn về Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2016, nhập khẩu phân bón dù giảm 7% về lượng và 21% về trị giá, nhưng tổng lượng nhập khẩu vẫn đạt 4,2 triệu tấn, trị giá hơn 1,125 tỷ USD. Tốc độ nhập khẩu tăng trở lại, khi quý I/2017, cả nước đã chi 338 triệu USD để nhập 1,22 triệu tấn phân bón, tăng 31,5% về lượng và gần 24% về giá trị so với cùng kỳ. Đáng lưu ý là mặt hàng phân urea nhập khẩu trong qúy I lên tới 231.000 tấn, gấp đôi về lượng so với cùng kỳ năm 2016.
Với lượng phân bón đổ về thị trường nội địa trong năm 2016 và tiếp đà tăng của quý I, đã gây khó khăn tứ bề cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước
Bức tranh không mấy “sáng sủa” trong dài hạn cho các doanh nghiệp ngành phân bón tiếp tục diễn ra. Theo Công ty Chứng khoán FPTS, thị trường phân bón trong nước bão hòa với sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong bối cảnh nhu cầu chưa cải thiện và xu hướng giá phân bón giảm ít nhất đến năm 2018.
Thống kê 8 doanh nghiệp hoạt động trong ngành phân bón, riêng trong quý IV/2016, tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp này đạt hơn 8.145 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt chỉ đạt hơn 395 tỷ đồng, giảm 51%. Đạm Cà Mau phải hạ chỉ tiêu doanh thu từ 5.845 tỷ đồng xuống còn 5.092 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phải hạ từ 649 tỷ đồng xuống còn 621 tỷ đồng. Đạm Phú Mỹ cũng có kết quả kinh doanh kém khả quan khi Năm 2016, đạt doanh thu 7.925 tỷ đồng, giảm 19%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.152 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2015. Trước tình trạng đổ dồn của phân bón nhập khẩu, một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước, yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu.
Đối chiếu các điều kiện để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã làm việc với các doanh nghiệp liên quan và đã gửi báo cáo lên Bộ Công thương cho rằng, đề nghị khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại là chưa có căn cứ, do những vấn đề về chính sách thuế giá trị gia tăng cũng như các vấn đề về bản thân doanh nghiệp. “Mặc dù nhà sản xuất trong nước đang phải chịu thiệt hại, nhưng để có cơ sở khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này, theo quy định WTO và pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam, thì cần phải theo dõi và phân tích thêm lượng nhập khẩu năm 2017”, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.
Phân bón nội oằn mình cạnh tranh
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, năm 2016, các doanh nghiệp phân bón gặp nhiều khó khăn về vấn đề thị trường do phân bón giả, kém chất lượng, cùng sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt... và chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT).
Cụ thể, kể từ khi Luật số 71/2014/QH13 về thuế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), nông dân được giảm 5% thuế VAT khi mua phân bón, còn các doanh nghiệp sản xuất phân bón thì không. Do thuế VAT không được khấu trừ, doanh nghiệp buộc phải cộng vào giá thành khiến giá phân bón tăng. Tiếp đó, trong khi trên thế giới, giá các mặt hàng đều hạ, thì trong nước, giá các nguyên liệu sản xuất phân bón là than, khí lại không hạ. Hệ lụy của việc này là phân bón nước ngoài tiếp tục được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.
Thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, năm 2017, Trung Quốc sẽ không áp dụng thuế xuất khẩu với mặt hàng Ure, DAP, TSP, riêng NPK giảm từ 30 xuống còn 20%. Dự báo năm 2017, lượng phân bón nhập từ Trung Quốc còn tăng mạnh. Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho rằng, ngành phân bón hiện đối mặt với nhiều khó khăn, sản xuất phân urea và NPK trong nước đang ở tình trạng cung vượt cầu, trong khi hàng nhập khẩu vẫn tăng cao, cạnh tranh khốc liệt về giá.
Được biết, dự trù lượng phân bón nhập khẩu năm 2017 mà Bộ Công thương đưa ra là 4,2 triệu tấn, tuy nhiên, khả năng vượt qua con số này là rất cao, khi thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam đã thay đổi chính sách thuế xuất khẩu nhiều loại phân bón để gia tăng lượng hàng bán ra. Chưa hết, giá phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp đà giảm mạnh càng khiến ngành sản xuất trong nước thêm chật vật.
Thế Hoàng (Báo Đầu Tư)